Đăng nhập

Truyện Đạo

Đôi mắt của Thái tử Câu Na La

Ngày xưa ở xứ Ấn Độ có một vị vua tên là A Dục trị dân rất công bình. Vợ là Hoàng Hậu Liên Hoa rất hiền thục, người con trai đầu của hai người có cặp mắt đẹp và hiền từ như chim Câu Na La cho nên đặt tên Thái Tử là Câu Na La. Thái Tử có người vợ hiền tên là Ma Đa Vi. Hoàng Hậu Liên Hoa mất sau khi Thái Tử lập gia đình.
Vua A Dục cưới một người vợ khác tên là Xích Di và có một người con trai khác. Kế mẫu Xích Di ước ao một ngày kia con bà sẽ nối ngôi vua thay vì Câu Na La. Một hôm vua A Dục bị bệnh nan y, tất cả lương y trong nước đều bó tay thì Hoàng Hậu Xích Di cứu chữa được bệnh tình của nhà vua. Nhớ ơn bà nhà vua hỏi bà muốn đền ơn thế nào? Bà xin vua cho con bà được nối ngôi. Vua A Dục áy náy trong lòng vì trước khi Hoàng Hậu Liên Hoa từ trần nhà vua đã có hứa là sau này sẽ cho Câu Na La nối ngôi, nhà vua không thể quên lời hứa đó được. Bà ta thấy không xong nên xin nhà vua cho bà được cầm quyền một ngày. Nhà vua lo nghĩ nhưng cũng bằng lòng.
Trong nước có thành Đắc Xô Thi La, dân chúng bị quan lại địa phương đóng thuế cao và bị đàn áp quá mức nên nổi lên chống đối triều đình. Có người về báo cho triều đình biết, nhằm đúng ngày Hoàng Hậu Xích Di cầm quyền. Bà đề nghị với vua cho Thái Tử Câu Na La, một người công bằng, đến thành Đắc Xô Thi La trấn an dân chúng. Vua e ngại, nhưng Thái Tử đứng ra tình nguyện xin đi. Với sự quyết tâm của Thái Tử, nhà vua đồng ý. Thái Tử không ngờ đây là âm mưu của Hoàng Hậu Xích Di. Bà đã cho tiền quan lại địa phương để hà hiếp dân đến độ dân chúng phải nổi loạn.
Thái Tử Câu Na La giã từ vua A Dục và công chúa Ma Đa Vi cỡi ngựa Măng Đa La lên đường. Theo sau Thái Tử là một kỵ mã trung tín của Hoàng Hậu mang theo bên mình một sứ mệnh có niêm ấn của nhà vua. Khi Câu Na La đến nơi dân chúng quỳ hai bên đường để tạ tội cùng triều đình. Thái Tử vào thành thay đổi luật thuế, lựa người công bình ra trị dân, muôn dân an lạc mở tiệc mừng vui.

Trong lúc đang vui mừng thì người kỵ mã kia đã đến và giao mệnh lệnh cho quan địa phương. Mở ra coi họ đều sửng sốt. Mệnh lệnh ghi: "Phải móc mắt Câu Na La, kẻ thù lợi hại của nhà vua và kẻ đã làm nhơ nhuốc nòi giống. Phải thi hành ngay, và từ nay không ai được nhắc tới hay giúp đỡ Câu Na La". Quan địa phương phân vân không biết phải làm sao, vẻ buồn hiện ra trên mặt họ. Câu Na La gạn hỏi. Họ đưa mệnh lệnh cho Thái Tử xem. Câu Na La sững sờ. Thái tử biết rằng vua Cha không thể nào ra lệnh như vậy. Đây là mưu kế của Hoàng Hậu Xích Di. Nhưng có ấn tín rõ ràng, thuộc quyền chỉ biết tuân theo mà thôi.
Đao thủ không ai dám ra tay. Sau cùng có một người lấy thanh sắt nóng dụi vào mắt Câu Na La.
Sau khi mệnh lệnh được thi hành dân chúng gạt nước mắt và bỏ đi hết. Bốn bề vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ còn nghe tiếng kêu thảm thiết của con ngựa Măng Đa La. Thái Tử nói với con ngựa là: "Con nên bỏ ta mà đi". Con ngựa như hiểu tiếng người, quanh quẫn một lúc rồi quay lại đường cũ trở về kinh đô.
Từ ngày Thái Tử ra đi Công Chúa Ma Đa Vi ngày đêm mong đợi và có linh tính điềm bất an đã xãy ra cho Thái Tử. Một đêm kia, khi thấy Mang Đa La trở về một mình nàng đã ngất đi vì nghĩ chồng đã chết trên đường dẹp loạn. Sau một đêm suy nghĩ nàng quyết định ra đi dò tin tức của chồng. Nàng thay đổi y phục thường dân và không thông báo cho vua A Dục biết vì sợ nhà vua ngăn cản và không cho đi. Đến thành Đắc Xô Thi La dò tin mãi mới tìm được Câu Na La. Thái Tử kể cho vợ nghe những chuyện đã xãy ra.
Về phần vua A Dục hàng ngày mong tin Câu Na La trở về, nhưng nay nghe báo ngựa Măng Đa La đã trở về và Công Chúa Ma Đa Vi đã trốn đi, vua sai người tới thành Đắc Xô Thi La tra hỏi, nhưng quan địa phương biết mình đã mắc mưu sợ mang tội lớn với triều đình cho nên nói dối là Thái Tử đã một mình trở lại kinh đô sau khi dàn xếp xong mọi việc. Sứ giả nghi ngờ nhưng dân chúng không ai dám hở môi cho nên đành phải về triều báo cáo với nhà vua.
Trong lúc đó hai vợ chồng Câu Na La ca hát, xin ăn trên đường dẫn nhau trở về kinh đô. Một ngày kia hai người tới được cung điện nhà vua, xin vào gặp vua nhưng lính canh gác thấy hai người quần áo lam lũ nên không cho vào. Đêm hôm đó họ được cho ngủ ở nhà cất xe, mõi mệt quá nên hai vợ chồng Câu Na La ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau thức dậy hai người ca hát với nhau. Vua A Dục vì nhớ thương con nên hằng ngày ngóng trông về hướng thành Đắc Xô Thi La. Sáng hôm đó nhà vua đi dạo nghe tiếng ca quen thuộc phát ra từ nhà chứa xe, vua sai người tới xem xét. Lính hầu đưa hai người tới gặp nhà vua. Vua nhận ra nàng Ma Đa Vi, ôm chầm lấy con và dâu. Nhà vua hỏi sự tình và biết tất cả nghịch cảnh này đều do Hoàng Hậu Xích Di tạo nên cả.
Về phần bà Xích Di từ ngày ra lệnh móc mắt Thái Tử ngày đêm phập phồng lo sợ chuyện sẽ bại lộ. Hôm nay nghe tin Thái Tử đã trở về và có lệnh vua đòi gặp bà. Ra trước triều bà chỉ còn biết cúi đầu nhận tội mà thôi. Vua ra lệnh đưa bà ra hành quyết.
Thái Tử Câu Na La xin tha tội cho bà và thưa với vua rằng: "Ngày hôm qua đi đường mệt mõi con nghĩ không biết mình đã làm điều gì lầm lỗi mà ngày nay phải chịu đọa đày như vậy, và con đã nhìn thấy một kiếp trong đời trước của con, con là một người thợ săn đặt bẩy bắt được năm mươi (50) con dê núi (sơn dương). Vì không thể nào một ngày tiêu thụ được cả bầy dê, cho nên con mới nghĩ cách là móc hết mắt bầy sơn dương và nhốt vào hang núi, dê không thấy đường cho nên không tìm cách trốn được. Mỗi ngày mang từng con xuống chợ bán. Con đã làm khổ năm mươi chúng sanh thì ngày nay con phải chịu quả báo vậy".
Vua nghe thấy thật là cảm động. Còn đang phân vân thì Thái Tử ngồi ngay ngắn mà khấn nguyện rằng: "Nếu lời tôi nói là đúng sự thật xin đức Phật chứng minh cho đôi mắt tôi được sáng lại". Lời nói vừa dứt thì cặp mắt của Câu Na La sáng lại như thường, vua A Dục và Công Chúa Ma Đa Vi xiết bao vui mừng.
Vua tha tội cho Hoàng Hậu Xích Di và truyền lệnh cho bà tìm nơi yên tĩnh mà sám hối. Về sau Thái Tử Câu Na La nối ngôi vua A Dục, và Công Chúa Ma Đa Vi là Hoàng Hậu.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 


Gia đình Phật tử Bửu Lâm Bình Châu

Website: http://gdptbuulam.mov.vn

Email: gdpt_buulam@yahoo.com.vn

Tự tạo website với Webmienphi.vn