Đăng nhập

Bát Chánh Đạo

Bát Chánh Đạo là con đường chân chánh có tám ngành, giúp chúng sanh tiến đến đời sống hoàn toàn.

I. Định nghĩa:

Bát Chánh Đạo là con đường chân chánh có tám ngành, giúp chúng sanh tiến đến đời sống hoàn toàn.

II. Hành tướng:

Chánh kiến (Samma Ditthi): Nhận thức sáng suốt và hợp lý.

Kiến thức chân chánh:

Nhận thức mọi vật là kết hợp của nhiều nhân duyên, không trường tồn và sẽ biến diệt.

Nhận rõ quả báo của mọi hành vi và ý niệm.

Nhận rõ giá trị sự sống của mình, người và muôn vật.

Nhận rõ mọi chúng sanh có cùng bản thể thanh tịnh.

Nhận rõ nghiệp báo thiện ác để thực hành hoặc tránh xa.

Nhận thức đạo lý chân chánh để làm đích hướng tiến.
Kiến thức sai lầm:

Cho sự hiện hữu của vạn vật là tự nhiên.

Chấp nhận Thượng đế và phủ nhận nhân quả nghiệp báo.

Chủ trương định mệnh, phủ nhận kết quả của hành nghiệp.

Quan niệm giai tầng và đẳng cấp để ngăn cách giữa người với người hoặc người với vật.

Chấp theo thần thoại, mê tín dị đoan.
Chánh tư duy (Samma Sankappa): Có nghĩa là suy nghĩ chân chánh. Đó là suy nghĩ có lợi cho mình và cả cho người.

Suy nghĩ chân chánh:

Suy nghĩ giới, định, huệ để tu tập giải thoát.

Suy nghĩ nguyên nhân đau khổ của chúng sanh để giải thích và khuyến tu.

Suy nghĩ những hành vi lỗi lầm và tâm niệm xấu xa để sám hối, cải đổi.

Suy nghĩ không chân chánh:

Suy nghĩ tà thuật để mê-hoặc mọi người.

Suy nghĩ những phương cách sâu độc để hại người, hại vật.

Suy nghĩ mưu cơ trả thù oán.

Suy nghĩ tài sắc, danh vọng.
Chánh ngữ (Samma Vaca): Lời nói ngay thật chân chánh. Đó là những lời nói lợi ích chánh đáng.

Lời nói chân chánh:

Nói thành thật và sáng suốt.

Nói ngay thẳng không thiên vị.

Nói hòa nhã, rõ ràng và giản dị.

Nói lợi ích, dung hòa, khuyến tấn và duy nhất.

Lời nói không chân chánh:

Lời nói dối trá, không đúng sự thật.

Nói không ngay thẳng, thiên vị, dua nịnh, xuyên tạc, ngụy biện.

Nói sâu độc, đay nghiến, nguyền rủa, mắng nhiếc, vu họa và thô tục.

Nói chia rẽ, di hại cho mọi người, mọi vật.
Chánh nghiệp (Samma Kammanta): Hành động chân chánh. Nghĩa là hành vi động tác cần phải sáng suốt chân chánh, có lợi ích.

Hành động chân chánh:

Hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống và hạnh phúc chung của người và vật.

Tôn trọng nghề nghiệp và tài sản mọi người.

Giữ hạnh thanh tịnh, không đàng điếm trác táng.

Biết phục vụ chức nghiệp tận tâm với việc làm.

Biết hy sinh chính đáng để giải thoát nỗi khổ cho mình và người.

Hành động không chân chánh:

Sát hại tàn bạo.

Trộm cắp xâm đoạt.

Sống xa hoa trác táng.

Sáng chế khí cụ mãnh lợi để sát hại.

Chế hóa vật giả để dối hoặc mọi người.

Lợi dụng văn nghệ để kích thích sự đàng điếm ăn chơi trác táng.
Chánh mạng (Samma Ajiva): Sinh sống chân chánh là nghề nghiệp để sanh sống chánh đáng, lương thiện không bạo tàn, hèn mạt.

Mạng sống chân chánh:

Tận lực làm việc để sanh sống nhưng không tổn hại đến người và vật.

Đem tài năng chân chánh để sinh sống chứ không giả dối, lừa gạt.

Sống thanh cao, không lòn cúi vô lý.

Sống đúng chánh giáo, không nên dị đoan.

Mạng sống không chân chánh:

Làm thương hại chúng sanh.

Xem sao, tính vận, bói xăm, giò quẻ để sống.

Chìu chuộng quyền quý, mối lái giao dịch và miệng lưỡi để sanh sống.
Chánh tinh tấn (Samma Vayama): Siêng năng chân chánh là siêng năng làm việc có lợi cho mình, cho người.

Siêng năng chân chánh:

Thấy mình có tội ác, lỗi lầm siêng năng sám hối trừ bỏ.

Tội ác và lỗi lầm chưa sanh siêng tu các pháp lành để giữ gìn ngăn đón.

Thấy mình chưa có phước nghiệp, siêng năng và cố gắng đào tạo phước

nghiệp.

Đã có phước nghiệp, siêng năng duy trì và tiến triển thêm lên.

Siêng năng không chân chánh:

Siêng năng sát hại.

Siêng năng gian xảo, trộm cắp.

Siêng năng đàng điếm.

Siêng năng dối trá, xuyên tạc, dua nịnh.

Siêng năng rượu chè, xa hoa ...
Chánh niệm (Samma Sati): Là nhớ nghĩ chân chánh. Nhớ nghĩ quá khứ và quan sát cảnh hiện tại và sắp đặt tưởng tượng cảnh tương lai.

Nhớ nghĩ quá khứ:

Nhớ ơn cha mẹ thầy bạn để báo đáp.

Nhớ ân nước nhà để phụng sự bảo vệ.

Nhớ ơn chúng sanh giúp đỡ để đền trả.

Nhớ ân Phật Pháp Tăng để tu hành.

Nhớ lỗi lầm xưa để sám hối cải đổi.

Nhớ nghĩ không chân chánh:

Nhớ khuyết điểm của người để chế diễu, phê bình.

Nhớ lại oán hận cũ để phục thù.

Nhớ lại dục căn xưa để lung lạc ý chí.

Nhớ lại hành động xảo trá và tàn bạo để hãnh diện tự đắc.

Quán niệm chân chánh:

Quán niệm từ-bi: Quán niệm cảnh đói khổ, tật, bệnh, và tối-tăm của chúng

sanh trong hiện tại và vô số tai nạn xảy ra trong tương lai, sanh tâm thương

xót, giúp đỡ, và tìm phương cách đề phòng che chở.

Quán niệm trí huệ: Quán niệm nguyên nhân sanh hóa của vũ trụ vạn vật,

hữu tình, vô tình, oán, thân, tốt xấu... để tự tu và khuyến giáo được rõ ràng,

thuận lợi, giải thoát.

Quán niệm không chân chánh:

Nhớ nghĩ sắc vọng.

Nhớ nghĩ phương tiện sát hại.

Nhớ nghĩ độc kế thâm mưu.

Nhớ nghĩ văn tự xảo trá.

Nhớ nghĩ cao lương mỹ vị.
Chánh định (Samma Samadhi): Tu tập thiền định chân chánh, không nên tu tập các môn thiền định không chân chánh.

Thiền định chân chánh:

- Bất tịnh quán: Quán các pháp không thanh tịnh để trừ tham dục ai ái.

- Từ bi quán: Quán tất cả chúng sanh đều đồng một chân tâm, bình đẳng

không khác để tăng trưởng kính tâm và thương xót cứu độ, đoạn trừ tâm

hận thù.

- Nhân duyên quán: Quán tất cả các pháp: hữu hình như sự vật, vô hình như

tâm niệm, lớn như núi, nhỏ như vi trùng; nếu có một pháp riêng cũng đều là

giả hợp duyên sanh, không chân thật. Quán như vậy để đoạn trừ ngu si

thiên chấp.

- Giới phân biệt quán: Phân biệt và quán sát sự giả lập của 18 giới (6 căn, 6

trần, 6 thức) để thấy không thật có ngã pháp, mục đích trừ ngã chấp và

pháp chấp.

-         Sổ tức quán: Quán hơi thở ra vào để đối trị tâm tán động ly loạn.

Thiền định không chân chánh:

- Tu diệt tận định (diệt hết biến hạnh của 7 thức) cầu chứng quả Niết bàn

giả danh.

- Tu vô tướng định (diệt hiện hành 6 thức trước) cầu an vui các cõi trời,

ngoại đạo.

- Tu thiền định để luyện đơn, vận khí ... cầu thần thông, trường sanh phép

lạ, tu tiên, ngoại đạo...
III. Phân loại:

Tín (Saddha): Chánh kiến và chánh tư duy.

Giới (Sila): Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Định (Samadhi): Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
IV. Công năng:

Cải thiện tự thân: Tất cả hành vi bất chánh, ngôn ngữ đảo điên và ý-niệm mê-mờ đều do con người đi ngược tám chánh đạo. Trái lại, nếu con người tu theo tám chánh đạo sẽ hoán cải được tất cả và tạo cho tự thân một đời sống chân chánh, lợi ích và thiện mỹ.

Cải tạo hoàn cảnh: Hiện cảnh là hình thành của tâm niệm, là kết quả của hành vi. Nếu hành động theo tám chánh đạo, hiện cảnh thế gian sẽ an lành và tịnh lạc.
Làm căn bản cho chánh giác: Tám chánh đạo là căn bản đầu tiên cho sự giác ngộ chân chánh của chư Phật. Phật tử muốn hướng tiến đến cực quả tốt đẹp phải theo tám chánh đạo.
V. Lợi ích:

Thực hành tám chánh đạo sẽ có những lợi ích:

Kiến thức chân chánh không bị mê hoặc điên đảo.

Suy nghĩ chân chánh không bị mê lầm đen tối.

Lời nói chân chánh sẽ lợi mình lợi người.

Hành động chân chánh sẽ không tổn người, hại vật.

Đời sống chân chánh sẽ được mọi người kính nể.

Siêng năng chân chánh sẽ được kết quả khả quan.

Nhớ nghĩ chân chánh hoàn toàn nhận cảnh thâu hoạch nhiều kết quả tốt.

Thiền định chân chánh thì trí huệ dũng phát và Phật quả dễ thành tựu.
VI. Kết luận:

Tám chánh đạo trình bày các nguyên tắc chánh đáng để áp dụng trong mọi trường hợp của sự sống, để cải thiện mọi xấu xa và tội lỗi của chúng sanh. Tám chánh đạo là nền tảng chánh giác, là căn bản giải thoát.

Người Phật tử cần phải học và thực hành tám chánh đạo để cải thiện đời sống bản thân, hoàn cảnh xã hội và để được giác ngộ như chư Phật.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 


Gia đình Phật tử Bửu Lâm Bình Châu

Website: http://gdptbuulam.mov.vn

Email: gdpt_buulam@yahoo.com.vn

Tự tạo website với Webmienphi.vn