Đăng nhập

Thập Nhị Nhân Duyên

Thập nhị nhân duyên chỉ là một bài giảng nói về 12 nguyên nhân của sự luân hồi và đau khổ; chứ không phải là một lý thuyết về nguồn gốc của đời sống hoặc trình bày tiến hóa từ khởi thủy của vũ-trụ.

Thập nhị nhân duyên chỉ là một bài giảng nói về 12 nguyên nhân của sự luân hồi và đau khổ; chứ không phải là một lý thuyết về nguồn gốc của đời sống hoặc trình bày tiến hóa từ khởi thủy của vũ-trụ.
I. Định nghĩa:

Nhân là do bởi hay tùy thuộc vào, duyên là phát sinh hay căn nguyên. Nhân duyên cũng có nghĩa là duyên sanh hoặc duyên khởi.
Duyên sanh: Chỉ cho sự vật khi đủ duyên thì được phát sanh.

- Thí dụ: Cái tượng là do đủ các duyên như vật liệu, nước, ánh nắng mặt trời, nhân công ...
Duyên khởi: Chỉ sự quan hệ, sanh khởi của sự vật. Sự vật sanh khởi đều có quan hệ và làm duyên sanh khởi cho nhau.

- Thí dụ: Cây cam có quan hệ với hạt giống cam. Cây cam là duyên sanh khởi cho trái cam.

II. Hành tướng:

Mười hai nhân duyên là: Vô minh (Avijja), Hành (Sankhara), Thức (Vinnana), Danh sắc (Nama Rupa), Lục nhập (Salayatana), Xúc (Phassa), Thọ (Vedana), Ái (Tanha), Thủ (Upadana), Hữu (Bhava), Sanh (Jati) và Lão tử (Jara-marana).

1- Vô minh: Mê lầm, tối-tăm, không sáng suốt. Đối với ngoại cảnh, không nhận chân được thực tướng của chúng là giả dối, là vô thường. Đối với nội tâm, không nhận chân được tự tâm là thanh-tịnh, luôn luôn quay cuồng theo vọng tâm phân biệt (ý thức). Vô minh là nguyên nhân đầu tiên tạo nên mọi khổ đau cho nhiều đời nhiều kiếp.

2- Hành: Hành động, chỉ cho những nghiệp lực của phiền não. Vì vô minh nên khiến Hành phát sanh - gồm thiện và ác. Những hành động dù tốt hay xấu vẫn tạo nên kết quả, dẫn đến sự kéo dài cuộc sống luân-hồi.

3- Thức: Vọng thức phân biệt. Do Vô minh và Hành kết thành những sự phân biệt, hiểu biết sai lầm. Vì hiểu sai lầm nên chấp có năng (mình) và sở (ngoại vật). Do sự chấp sinh ra lòng bảo thủ thân mạng; và những tâm niệm vui, buồn, thương ghét... cũng do đó mà sinh ra. Thức là một trong ba điều kiện cần yếu (thọ, noãn, thức) để thọ thai và tạo thành thân mạng.

4- Danh sắc: Danh sắc là cấu tạo của loài hữu tình khi còn ở thai tạng. Nhờ có tâm thức (danh) và tinh cha huyết mẹ (sắc) hòa hợp nương tựa vào nhau nên thai chất mới dần dần sanh trưởng, không bị tiêu diệt.

5- Lục nhập: Sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) của người mẹ tiếp nhận và truyền vào nuôi dưỡng, do đó thai mới sống và sanh trưởng.

6- Xúc: Sau khi thai ra đời, các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với ngoại cảnh (trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nhưng vì còn nhỏ, các giác quan còn yếu, chưa thể tiếp nhận và phân tích một cách đầy đủ và tinh-tế, nên gọi là xúc.

7- Thọ: Lãnh thọ. Bây giờ đứa bé đã biết tiếp thọ ngoại cảnh một cách tiến bộ hơn. Biết tủi khóc trước những điều trái ý, vui cười trước những cảnh vừa lòng.

8- Ái: Tham ái. Chính thọ đã sinh ra lòng tham ái. Đắm say trước những gì tốt đẹp ưa thích, ruồng bỏ những gì xấu xa, chán ghét.

9- Thủ: Dành giữ lấy. Lòng tham đắm trước những gì tốt đẹp ưa thích nên cố dành giữ lấy. Đây là nhân của bao nhiêu tội lỗi.

10- Hữu: Hậu hữu. Do ái và thủ làm nghiệp nhân, nên tiếp nối thọ sanh thân hậu hữu để chịu những quả báo đau khổ trong ba cõi.

11- Sanh: Sanh mạng. Chỉ chung cho sự cấu tạo của loài hữu tình (tâm và sắc); trong ấy gồm cả tinh thần (tâm lý) và thể chất (vật lý). Sống trong một thời gian tùy theo hạnh nghiệp của sinh mạng quyết định.

12- Lão tử: Lão là chỉ cho giòng sinh mệnh đã hầu tàn. Tử là chết, là kết thúc giòng sinh mạng của một đời người.

Suy nghiệm lý thập nhị nhân duyên theo chiều ngược lại ta sẽ hiễu rõ vấn đề hơn:

Lão và tử chỉ có thể ở trong và với một cơ thể tâm lý. Một cơ thể như thế cần có sự sanh ra (sanh), cho nên có thể bao hàm sự sanh trong đó. Mà sanh là kết quả của hành động hay nghiệp quá khứ (Hữu). Nghiệp phát sanh do Thủ và Ái. Ái chỉ phát sanh khi có Thọ; và Thọ là kết quả của sự tiếp xúc sáu căn và sáu trần (Xúc và Lục nhập). Sáu căn không thể có nếu không có Danh và Sắc.

Danh sắc lại do Thức phát sanh. Thức do kết quả của các việc làm tốt hoặc xấu. Hành động tốt xấu bắt nguồn từ Vô minh, vì không nhận chân được thực tướng của vạn hữu. Đó là tập hợp toàn bộ tạo nên sự khổ đau.
III. Phân loại:

Hoặc: Chỉ trạng thái mê-mờ của tâm lý, nên nhận định nội tâm, ngoại cảnh rất sai lầm, không sáng suốt. Vô minh, ái, thủ là phản ảnh của tâm lý này.

Nghiệp: Những hành động sai lầm phát ra ở thân, tâm. Hành và hữu là phản ảnh của những nghiệp động tác này.
Khổ: Quả báo đau khổ do Hoặc và Nghiệp gây nên. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử thuộc về quả báo khổ này.
IV. Công năng:

1. Muốn chấm dứt luân hồi sanh tử phải đoạn trừ quả báo hiện tại và tương lai. Muốn đoạn trừ quả báo hiện tại và tương lai phải đoạn trừ vô-minh, hành, ái, thủ, hữu.

2. Khi nhận định sáng suốt và có công tu tập để đoạn trừ các nghiệp nhân hữu lậu thì không còn bị trôi lăn trong giòng sanh tử và tri giác sẽ được phát hiện hoàn toàn.
V. Phật tử với 12 nhân duyên:

1. Giáo pháp 12 nhân duyên giúp ta hiểu rõ sự thật của sự vật. Về không gian, sự vật chỉ là sự hòa hợp của tâm lý và vật chất; về thời gian sự vật chỉ là sự nối tiếp giữa quá khứ và tương lai. Vì thế, sự vật không phải là một bản thể cố định và đơn độc.

2. Hiểu rõ nghiệp nhân căn bản tạo thành sinh mạng và nhận rõ những sự thay đổi của sinh mạng từ quá khứ đến tương lai.

3. Sự vật không phải do tạo hóa, tự nhiên hay vô nhân mà có; trái lại, sự vật đều do nhân duyên sanh khởi, tồn tại và biến diệt. Thấy rõ sự thật của sự vật là vô thường, vô ngã thì có thể trừ bỏ được vọng tâm tham muốn. Hiểu rõ những nghiệp nhân căn-bản tạo thành sinh mạng thì có thể chuyển đổi được nghiệp quả xấu xa. Khi nhận rõ sự vật chỉ là biến trạng của nhân duyên thì có thể cải tạo được đời sống đầy đau khổ thành an vui tự tại.

Là Phật tử, chúng ta cần nghiên cứu, quan sát và chuyên tâm tu tập, đồng thời khuyến khích mọi người nghiên cứu, quan sát và tu tập như mình, để cùng thoát ly sự sống chết luân hồi và được giải thoát an vui.

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 


Gia đình Phật tử Bửu Lâm Bình Châu

Website: http://gdptbuulam.mov.vn

Email: gdpt_buulam@yahoo.com.vn

Tự tạo website với Webmienphi.vn