Đăng nhập

Bài 17. Các Đoàn Thể Tiền Thân Gia Đình Phật Tử

Đoàn thanh niên Phật học Đức Dục đuợc hình thành theo hai nhu cầu lúc bấy giờ

A. ĐOÀN THANH NIÊN PHẬT HỌC ĐỨC DỤC:

            I. Nguyên Nhân Thành Lập Đoàn:

Đoàn thanh niên Phật học Đức Dục đuợc hình thành theo hai nhu cầu lúc bấy giờ:

                        1. Nhu cầu khách quan: vấn đề đức dục trong xã hội đang xuống cấp: đời sống  lúc bấy giờ đầy những trụy lạc, thù ghét, nghi kỵ, lối sống mất phương hướng, không lý tưởng, có tư tưởng chán chường vì sống trong một nước thuộc địa, dân tộc không chủ quyền, …

                                    Các vị tôn túc nhận định: lấy tôn giáo làm nền tảng sẽ đem kết quả mỹ mãn, bớt thống khổ trong nhân dân, đem nước nhà đến cường thịnh. Phật giáo là lối tu thân rất dễ dàng, rất thiết thực, đầy hy vọng tươi tốt về tương lai, và không phải tin mù, tin suông một điều gì. Phật giáo là một nền tảng rất vững cho việc đức dục thanh niên

                        2. Nhu cầu chủ quan: Hội An Nam Phật Học chủ trương đào tạo những thế hệ thanh thiếu, đồng niên Phật tử tiếp tục phục vụ chánh pháp với tư cách những người Phật tử chân chính.

                                    Mùa thu năm 1940, một số anh em nhóm họp tại nhà cụ Lê Đình Thám ở số 31 Phan Bội châu, dốc bến Ngự để học kinh nghe giảng, cùng nhau sửa đổi tâm tính, dần dần nhận rõ rằng: “Chỉ có Phật giáo mới có thể làm nền tảng cho công cuộc tuyên truyền đức dục, chỉ có Phật giáo mới phá tan những nổi nghi ngờ đang bận rộn tâm trí thanh niên”.

                                    Kể từ đây, “Đoàn thanh niên Phật Học Đức Dục” đã hình thành và bắt đầu hoạt động dưới sự bảo trợ của Hội An Nam Phật Học và dưới sự hướng dẫn của cụ Lê Đình Thám.

            II. Mục Đích Của Đoàn:

            -Thực hành, tuyên truyền giáo lý đức Phật

            -Gầy dựng một nền đức dục mới, thích hợp với bản năng của thanh niên

            -Hợp thành đoàn thể để gây nên hoàn cảnh thuận tiện cho việc tu sửa bản thân.

            Châm ngôn của Đoàn: “Nguyện luôn luôn nêu cho rõ tỏ hai chữ trong sạch và nhân ái, châm ngôn của đoàn Phật Học Đức Dục” (lời anh Đinh Văn Nam nhắc lại).

                        - Giữ giới để được “trong sạch”

                        - Từ bị là nghĩa rộng của “Nhân ái”.

III. CÁC ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN PHẬT HỌC ĐỨC DỤC:

     a) 12 Anh em tập hợp tại nhà cụ Lê Đình Thám để thành lập đoàn. Gồm

                 1. Phạm Hữu Bình, đoàn trưởng

                 2. Đinh Văn Nam, đoàn phó

                 3. Ngô Điền, thư ký

                 4. Đinh Văn Vinh

                 5. Ngô Thừa

                 6. Võ Đình Cường

                 7. Nguyễn Hữu Quán

                 8. Nguyễn Khải

                 9. Lê Kiểm

                 10. Phạm Quy

                 11. Hoàng Ngọc Phụ

                 12. Lê Đình Duyên.

     b) Sau lần chu niên lần thứ nhất của đoàn vào cuối năm 1941, có thêm:

                 1. Ưng Hội

                 2. Tráng Thông

                 3. Lâm Công Định

     Cố vấn: cụ Tâm Minh - Lê Đình Thám

     Ban bảo trợ:

                 Đạo hữu Tôn Thất Tùng

                 Đạo hữu Phạm Quang Thiện

                 Đạo hữu Nguyễn Hữu Tuân

                 Đạo hữu Hoàng Hữu Khác.

IV. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN:

     1. Các Hoạt động của đoàn:

Cá nhân nguyên cứu Giáo lý đức Phật. Tự sửa mình và nêu gương tốt ngoài xã hội theo phương châm: Nhân ái và Trong sạch. Viết các bài để thuyết giảng, để đăng báo nguyệt san Viên Âm, in sách cho Phật học Tùng thư.

                       Mỗi sáng chủ nhật, sinh hoạt chung tại chùa Từ Đàm để nghe cụ Lê Đình Thám giảng giáo lý, duyệt các bài anh em đã viết và phân công việc.Tổ chức các buổi nói chuyện công khai và mở rộng tại Hội trường chùa từ Đàm.

                 Tu Bát Quan trai

                 Tổ chức các Gia đình Phật Hóa Phổ.

     2. Huy Hiệu và bài ca chính thức của đoàn thanh niên Phật học Đức Dục:

                 - Huy hiệu hoa sen trắng trên nền tròn xanh lá mạ (thiết kế và vẽ là anh Lê Lừng)

                 - Bài ca chính thức: Bài “Sen Trắng” có lời bằng tiếng pháp. Nhạc: Ưng Hội, Lời của Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán, về sau các anh đã viết lời việt cho bài này.

B. GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ:

            I. Quá Trình Hình Thành:

                        Sau hội An Nam Phật Học ra đời năm 1932, do các đạo hữu đi lễ Phật tại chùa thường dẫn theo con, cháu và các em chưa hiểu nghi lễ nên thường không nghiêm chỉnh trong các buổi lễ. Một số thanh niên thấy vệy, quy tụ các em lại kể chuyện đạo cho các em nghe, dạy các em vui chơi ca hát.

                        Ở chùa Từ Đàm có anh Tráng Thông, dần dần lan rộng ra các Chi, Khuôn hội khác, Hội Phật Học coi đây là một tổ chức hay có ích hình thức này gọi là “Đồng ấu”.

                        Năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời, nhiệm vụ chính của Đoàn là thành lập, xây dựng, hướng dẫn các đơn vị Thanh, thiếu đồng niên ấy. Do lấy gia đình của hội làm nồng cốt xây dựng nên được đặt danh hiệu là Gia đình Phật Hóa Phổ.

            II. Mục Đích – Châm Ngôn – Khẩu Hiệu – Bài Ca Chính Thức:

            Đứng đầu mỗi Gia đình có vị Phổ trưởng do Chi, Khuôn hội đề cử phụ trách cùng vài anh chị trưởng. Lúc ấy mỗi Gia đình có từ 15 đến 20 đoàn sinh, liên kết từ nhiều gia đình.

                        1. Mục đích:

                                    - Dạy cho các em biết sơ qua giáo lý của đức Phật

                                    - Tập cho các em sống theo đạo đức Phật giáo

                                    - Chuẩn bị cho các em trở thành những Phật tử chân chính để phục vụ chánh pháp.

                                    Về sau được điều chỉnh lại: “Giáo dục hàng con cháu Phật tử theo lời Phật dạy và xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền tảng luân lý Phật giáo”.

                        2. Châm ngôn: Hòa Thuận – Tin Yêu – Vui Vẻ.

                        3. Khẩu hiệu: Tinh Tấn

                        4. Bài ca chính thức: Bài “Trầm Hương Đốt”

            III. Hoạt Động của Gia đình Phật Hóa Phổ:

                        Lúc đầu có 4 đơn vị tại thành nội là: Tâm Minh, Thanh Tịnh, Sum Đoàn  và Tâm Lạc, các gia đình sinh hoạt vào mỗi tối  thứ bảy tại nhà riêng của vị Phổ trưởng, mỗi Gia đình chỉ vào khoảng 15-20 Phổ viên do các anh trưởng trong Đoàn Thanh niên Phật Học Đức Dục phụ trách.

                        Chương trình sinh hoạt:

- Lễ Phật. Hát bài Trầm Hương Đốt. Nghe giảng giáo lý.

- Kể mẫu chuyện đạo – ca hát. Trò chơi nhỏ trong phòng.

- Tổ chức các buổi sinh nhật cho các em nhận quà tặng và hứa hẹn sống theo đạo đức Phật giáo.

- Tổ chức các cuộc đi trại chung cho các Gia đình Phật Hóa Phổ tại các chùa gần.

C. NHẬN ĐỊNH:

            Cụ Tâm Minh – Lê Đình Thám được xem là người sáng lập ra Gia đình Phật tử Việt Nam.

Tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam  là Đoàn thanh niên Phật Học Đức Dục (trong đó có mô hình Gia Đình Phật Hóa Phổ và Đồng Ấu Phật tử).

                       

    

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 


Gia đình Phật tử Bửu Lâm Bình Châu

Website: http://gdptbuulam.mov.vn

Email: gdpt_buulam@yahoo.com.vn

Tự tạo website với Webmienphi.vn